Theo cáo trạng họ là những người đã đốt bãi giữ xe tạm của công an và đặt bom xăng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Còn những vụ việc khác chưa đưa ra xét xử nên chưa biết thiệt hại, tội danh như thế nào. Theo bản kết luận điều tra, họ đã nghe theo lời của một người đàn ông ở Mỹ, có tên là Đào Minh Quân và một người tên Lisa Phạm để thực hiện hành vi khủng bố.
Tội danh có thành lập, mỗi người họ phải nhận bao nhiêu năm tù là điều tôi không bàn ở đây, điều làm tôi suy nghĩ là CHÚNG TA, những người dân Việt, trong đó có tôi, có vô can trong vụ việc này?
Tôi đọc được rất nhiều status trách móc 70 người kể trên, có những status, comment cho rằng họ ngu si nghe lời xúi giục nên họ xứng đáng nhận hình phạt... Vâng, trách rất đúng, không sai. Nhưng, hãy thử nhìn ở một khía cạnh khác, sâu hơn, rộng hơn để cảm nhận được nguyên nhân vì sao họ lại dễ bị xúi giục đến vậy? Vì sao họ có thể đặt niềm tin vào những lời láo toét đến vậy? Vì sao họ có thể hành động một cách mất lý trí và mang tính bạo lực đến vậy?

Nguyên nhân chính mà tôi thấy nhiều người đưa ra là họ trẻ tuổi, thường ở vùng nông thôn, nhẹ dạ cả tin dễ bị dụ dỗ, bệnh tâm thần hoang tưởng... Lại đúng, nhưng nó không phải là căn cốt của vấn đề. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Đâu mới là nguyên nhân chính dẫn tới mọi việc?
Theo tôi, đó là do căn tính bạo lực của đám đông người Việt. Tôi đã viết, đã cảnh báo, đã kêu gào về điều này từ cách đây bốn năm. Viết mãi viết hoài nhưng vô vọng vì luôn vấp phải phản ứng dữ dội của đám đông. Họ đổ thừa, họ ngụy biện, họ dùng mục đích biện minh cho hành động, họ cho rằng nó không nghiêm trọng khi chỉ rủa xả, đòi giết mà không làm, hả hê trước cái chết vì chúng giết nhau hay vô tình bị tai nạn... của người họ không thích hay phe đối thủ, thậm chí tôi còn đọc được có những người còn tiếc khi bão không vào...
Mỗi ngày, mỗi người chúng ta phải chứng kiến cảnh bạo lực trực tiếp hoặc gián tiếp xem qua báo chí, qua mạng xã hội bao nhiêu lần? Riêng tôi, chỉ trong một buổi chiều gần đây, tôi đã phải nhìn thấy 5 clip bạo lực. Đó là tôi chỉ lướt trên bảng tin của tôi và vô tình nhìn thấy chứ không bấm search.
Tôi có đọc nhiều, có nhận thức, có đủ tri thức để giữ vững quan điểm lập trường không bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào trong cuộc sống kể cả bằng lời nói, bài viết. Còn bạn? Khi tức giận, khi phẫn nộ hay khi ghét thì bạn có kềm chế lời nói câu chữ của mình không? Tôi đọc nhiều lắm những lời rủa và ác tâm, cổ vũ bạo lực một cách vô thức được ngụy biện dưới vỏ bọc bức xúc hay nhân danh một điều gì đó. Tâm thế đòi hỏi ác giả ác báo, nợ máu trả bằng máu, căm thù, ghét bỏ, tự trừng trị... hiện đang tràn lan trong đời thực và trên mạng xã hội.


Tôi hay bị chửi là "bày đặt lên giọng đạo đức" mỗi khi tôi viết về đề tài này, thậm chí có người còn cho là tôi "thù ghét dân tộc" khi tôi nói về căn tính, thói xấu của dân tộc mình. Tôi lặp lại để nhấn mạnh điều tôi muốn nói, chúng ta không hề vô can! Khi mỗi người nhìn ra được mình không vô can thì lúc đó mới có thể sửa mình, con cháu mới có tương lai không bị giết chết vì bạo lực và ngông muội.
Vô tư… thiếu văn hóa
Theo Bích Ngà (Khám phá)

Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét