Menu

Không giống như xe số, hệ thống dẫn động xe tay ga hoàn toàn khác, cơ chế sang số được thực hiện tự động hoàn toàn, gồm 3 nhóm chi tiết chính là puli sơ cấp, puli thứ cấp và đai truyền động. Đai truyền động làm việc trong điều kiện khắc nghiệt vừa phải truyền mô-men từ trục sơ cấp tới trục thứ cấp và chịu ma sát trượt giữa hai má bên đai và các má puli tạo ra nhiệt độ cao.

Sai lầm và hậu quả

Việc tăng ga, rồ ga đột ngột giống như xe số không những gây tốn xăng mà còn làm giảm tuổi thọ của đai truyền động. Khi thốc ga, trục sơ cấp quay rất nhanh, trục thứ cấp đang đứng yên hoặc chưa kịp thay đổi tốc độ, hiện tượng trượt giữa dây đai và má puli làm đai nhanh mòn, nhiệt sinh ra do trượt khiến đai nhanh chai cứng. Để hạn chế điều này cần tăng ga từ từ. Thực tế cũng như lý thuyết đã chứng minh rằng khả năng gia tốc ở cùng một tỷ số truyền của xe số luôn lớn hơn xe ga.

Nếu xe thường xuyên chở nặng, đi với tốc độ cao thì thời gian và quãng đường phải thay đai truyền động sẽ rút ngắn. Khi tải nặng, hiện tượng trượt đai xảy ra nhiều hơn, nhiệt sinh ra cũng nhiều hơn. Xe thường xuyên đi với tốc độ cao (hết ga) khiến đai truyền động làm việc quá mức sinh ra mỏi và rão, làm giảm tuổi thọ của đai.

Nhiều người nghĩ rằng xe ga có khả năng vượt nước và đi trời mưa tốt hơn xe số. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Do hệ thống dẫn động đai hoạt động dựa trên hiện tượng lực bám bề mặt do ma sát, chính vì vậy, kẻ thù số 1 của nó là nước và các chất bôi trơn. Bộ truyền động đai được làm mát bằng gió, nước có thể ngấm và lọt vào bất cứ lúc nào, làm giảm khả năng bám của đai, làm giảm hoặc mất khả năng gia tốc của xe.

Với điều kiện khí hậu Việt Nam, vào mùa mưa ẩm, kể cả xe trong nhà không đi trong thời gian dài (vài ngày), khi nổ máy không nên ga mạnh, để không tải một lúc và đi với vận tốc vừa phải để loại bỏ lượng hơi ẩm ở dây đai.

Do sử dụng hệ thống dẫn động đai nên xe ga ít có khả năng tự hãm (sử dụng phanh động cơ) khi đổ đèo như xe số, với các dốc dài và độ dốc lớn. Khi lên dốc, đai sẽ bị trượt nhiều hơn, đến khi lực bám dây đai nhỏ hơn lực cản mặt đường thì dù có tăng ga xe bạn cũng sẽ tụt dốc không phanh.

Sử dụng, bảo dưỡng và thay thế

Việc sản xuất dây đai có nhiều bước tiến khi sử dụng lực ép lớn, cách xử lý vật liệu và gia cố các lớp bố có độ bền nhiệt, chịu mòn và mỏi tốt. Theo khuyến cáo của Honda thì dây đai trên các dòng xe tay ga của hãng nên được thay thế định kỳ sau 24.000km ngay cả khi đai vẫn hoạt động bình thường.

Ngoài việc định kỳ thay đai, tùy vào điều kiện môi trường, khí hậu và cường độ sử dụng mà việc kiểm tra và thay thế cũng khác nhau. Cần kiểm tra sau mỗi 8.000 km với điều kiện sử dụng bình thường. Nếu thấy các hiện tượng như nứt, biến dạng, mòn, rão, lớp bố bị hở cần thay mới ngay.

Cần thay đai khi có hiện tượng nứt, vỡ                   Nước có thể lọt qua ống thông gió vào buồng đai

Cần thiết phải kiểm tra bộ truyền động ngay khi có các dấu hiệu như xe yếu đi, hao xăng, khi tăng ga bị giật, khả năng gia tốc kém và có tiếng rít bất thường từ bộ truyền động,…

Buồng dây đai thường có thông gió làm mát, do đó khi muốn lắp ráp thêm các tấm trang trí cần hết sức chú ý để không bịt đường thông gió này. Buồng dây đai nếu bị ngập nước cũng sẽ gây hiện tượng trượt và làm hỏng dây đai. Chính vì vậy, không nên đi vào đường ngập sâu trong nước.

Theo Autocarvietnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét