Khi mua một chiếc xe máy mới, ngoài giá bán, người dùng còn phải chi trả các khoản thuế, phí, các phụ tùng lắp thêm khác. Hãy dự kiến trước số tiền phải chi để khi đi mua xe không rơi vào tình cảnh "cháy túi".
Tùy từng loại xe (xe ga hoặc xe số), thông thường chi phí phải bỏ ra để mua một chiếc xe máy đội lên từ 1 đến 2 triệu đồng, thậm chí là 5 – 7 triệu đồng so với giá niêm yết ở cửa hàng.
Khi mua một chiếc xe máy mới, ngoài giá bán, người dùng còn phải chi trả các khoản thuế, phí, các phụ tùng lắp thêm khác
Chị Hiền – người vừa mua một chiếc Honda Vision ở cửa hàng Honda Nguyễn Trãi hơi giật mình khi dắt xe ra khỏi cửa hàng mà "tiêu" thêm vài triệu đồng so với dự kiến ban đầu.
"Xe có giá niêm yết là 29,9 triệu đồng. Nhưng tiện mình cứ rút cả 35 triệu đồng mang đi. Vậy mà về đến nhà thì cũng nhẵn không còn đồng nào vì nhiều chi phí phát sinh mà mình không biết trước như tiền chênh so với giá công bố, tiền dịch vụ làm biển số" – chị Hiền cho hay.
Cũng giống chị Hiền, anh Minh (Hai Bà Trưng – Hà Nội) đi mua xe mà về trong tình trạng "cháy túi" do không tính hết được các khoản phí phát sinh.
Anh Minh kể: "Mình đi mua chiếc xe AirBlade. Mình cũng đã dự kiến trước là tiền xe (40 triệu), tiền thuế trước bạ 5% (2 triệu), tiền làm biển số (2 triệu). Nhưng khi đến mua xe thì vẫn phải điện về nhà để vợ mang thêm tiền đến vì xe có giá cao hơn công bố đến 4 triệu. Sau đó do mình lười nên nhờ luôn cửa hàng làm dịch vụ thuế và biển nên đóng thêm 4 triệu nữa. Tiền mua thêm lót để chân, lắp khóa điện chống trộm thêm gần 2 triệu".
Như vậy, số tiền anh Minh chi thêm khi đến mua xe ngót chục triệu đồng. Theo anh Minh, chỉ bực nhất là cái khoản chênh do đại lý "kênh" giá. Còn các khoản khác là khoản phải chi như tiền thuế, tiền làm biển hoặc tự mình quyết định chi như lắp thêm đồ, làm dịch vụ. Có điều nếu lần sau đi mua xe, mình biết, mình chuẩn bị trước tiền thì đỡ mất thời gian.
Cần nắm rõ các khoản phải chi để chủ động hơn về tài chính khi đi mua xe
Trên thực tế, không ai đi mua xe mà chỉ mang "chằn chặn" số tiền bằng với giá xe. Đương nhiên họ còn phải tính đến tiền thuế trước bạ, tiền làm biển. Song, vì đến cửa hàng bán xe có đủ các dịnh vụ tiện lợi nên sinh ra lười mà quyết định chi thêm nhiều khoản khác.
Anh Quý (Hà Đông – Hà Nội) người vừa "rinh" chiếc xe LEAD về tặng vợ cho biết: "Nói thật là HEAD của Honda giờ cũng giỏi làm dịch vụ và giỏi chào mời. Vừa quyết định lấy xe, ngồi làm thủ tục hóa đơn đã có người mời làm dịch vụ trọn gói đi đóng hộ thuế với làm biển, mời mua bảo hiểm. Ra nhận xe, mấy anh kỹ thuật, người "mời" lắp quây cho đỡ xước xe, anh "dọa" nếu không cuốn thêm đồng vào dây dẫn thì sẽ bị chuột cắn gây cháy xe. Rồi lắp thêm khóa điện chống trộm, giấu IC cho đỡ bị móc mất, phủ nanô, dán nilon… đủ thứ trên đời".
Theo anh Quý, nếu cứ "gật" hết với các dịch vụ, cứ "sợ" mà lắp cho đủ những thứ họ mời thì tiền chi thêm cho một chiếc xe máy mới lên tới cả chục triệu đồng như chơi.
"Kinh nghiệm mấy lần đi mua xe của mình cho thấy: Một là, cần nắm rõ các khoản phải chi để không phải mất công, mất thời gian khi không mang đủ tiền. Hai là, lựa chọn dịch vụ, giả dụ như việc làm biển, đóng thuế, tự làm được thì cũng đỡ được tiền. Ba là, chỉ lắp thêm những thứ thấy thật cần thiết vào xe. Như vậy, mình sẽ chủ động hơn về tài chính khi đi mua một chiếc xe máy mới" – anh Quý khuyên.
- Muốn mua xe máy với giá rẻ nhất, phải có "mưu"
- Cách tính số tiền thực khi "rinh" một chiếc ôtô về nhà
Thế Đạt (TTTĐ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét