Các loại đèn cảnh báo trên xe hơi đều hết sức quan trọng. Bạn hảy bỏ ra vài phút tìm hiểu để xử lý mỗi khi chúng sáng lên. Đừng bỏ qua, vì sự an toàn của bạn và vì "sức khỏe" của chiếc xe.
1. Đèn báo nhiệt độ chất làm mát
Hiện tượng: Đèn này sẽ sáng lên hoặc kim chỉ trên đồng hồ báo chỉ vào vùng đỏ khi nhiệt độ chất làm mát động cơ vượt quá giới hạn an toàn cao nhất. Đèn này có thể nhấp nháy ngắt quãng nếu thời tiết nóng, đặc biệt là khi lái trong tình trạng dừng đỗ liên tục như khi tắc nghẽn giao thông.
Xử lý: Nếu đèn này sáng liên tục hoặc kim chỉ nhiệt độ không giảm, hãy đỗ xe vào lề đường và tắt máy. Mở nắp capô để làm mát động cơ.
Nếu bạn thấy hơi nước bốc lên, hãy nâng nắp capô cẩn thận và tìm ống làm mát bị rò rỉ. Nếu vết rò rỉ lớn, đừng khởi động xe, hãy gọi cứu hộ.
2. Đèn báo động cơ
Hiện tượng: Nếu động cơ đang hoạt động và đèn này sáng thì có thể hệ thống quản lý động cơ đã bị lỗi.
Xử lý: Hãy dừng xe và tắt máy. Đợi vài phút, sau đó khởi động lại động cơ để đặt lại hệ thống. Bạn vẫn có thể lái an toàn nếu động cơ không có lỗi nào khác. Nhưng hãy đem xe đến xưởng sửa chữa để kiểm tra càng sớm càng tốt.
3. Đèn báo áp suất dầu
Hiện tượng: Đèn này sẽ sáng khi bạn mở khoá khởi động và sau đó tắt ngay khi động cơ hoạt động.
Xử lý: Nếu đèn tiếp tục sáng khi bạn đang lái, hãy dừng xe ngay và tắt động cơ để đảm bảo an toàn. Hãy để động cơ bớt nóng, lấy que thăm dầu kiểm tra mức dầu. Bổ sung thêm dầu nếu cần thiết. Nếu đèn cảnh báo vẫn sáng cho dù mức dầu đúng thì đừng khởi động động cơ. Hãy tìm sự hỗ trợ từ xưởng sửa chữa.
4. Đèn hệ thống nạp
Hiện tượng: Đèn này giám sát tình trạng của hệ thống nạp và cảnh báo lỗi trước khi bạn bị kẹt với một chiếc xe chết máy giữa đường cao tốc vắng người. Đèn báo nạp (CHARGE) sáng lên để cho thấy máy phát không nạp điện cho ắc quy. Nguyên nhân có thể là do dây cu roa dẫn động bị hỏng hoặc máy phát điện bị hỏng.
Xử lý: Bạn vẫn có thể lái thêm một quãng đường ngắn để tìm sự giúp đỡ nếu đèn này sáng.
5. Đèn báo hệ thống phanh
Hiện tượng: Đèn phanh (BRAKE) sẽ sáng lên vì nhiều lý do. Nó cảnh báo lái xe nếu một nửa hệ thống phanh thủy lực bị hỏng và mất áp suất. Điều này cũng có nghĩa là mức chất lỏng thấp trong xi lanh phanh chính. Giải thích một cách đơn giản là phanh tay sẽ không nhạy như bình thường.
Xử lý: Điều quan trọng lúc này là cần tìm cách dừng xe an toàn. Nếu hệ thống vẫn còn tác dụng hãy phanh cẩn trọng. Sử dụng phanh tay hoặc phanh bằng động cơ với xe số sàn cũng có thể giảm tốc độ xe khi phanh chân không còn ăn.
6. Đèn cảnh báo áp suất lốp
Hiện tượng: Đèn sẽ sáng khi bất kỳ bánh nào có áp suất thấp hơn 25% so với tiêu chuẩn. Lái xe trong tình trạng non hơn làm tăng nguy cơ nổ lốp. Bánh xẹp cũng khiến lực phanh và lực bám không đều. Làm tăng lực cản ma sát và mức tiêu thụ nhiên liệu. Nguyên nhân có thể lốp bị bục hoặc khí thẩm thấu ra ngoài theo thời gian. Trung bình áp suất hơi trong bánh giảm 0,07 - 0,14 atmosphere. Nhưng đôi khi cũng có thể do cảm biến áp suất lốp hỏng.
Xử lý: Cần kiểm tra và bổ sung thêm khí theo khuyến cáo ghi trên sườn lốp.
Lưu ý:
Những loại đèn cảnh báo nói trên được áp dụng cho tất cả mọi loại xe, thường xuất hiện dưới 2 loại màu khác nhau là: màu cam và màu đỏ.
Cũng tương tự ý nghĩa "nhắc nhở" bằng màu sắc của các đèn thông báo cho xe cộ lưu thông, nếu đèn cảnh báo xuất hiện với màu cam bạn vẩn có thể tiếp tục lái xe nhưng với tốc độ chậm hơn và sắp xếp để đưa chiếc xe nầy đến nơi sửa chửa chuyên môn để xem xét lại những trở ngại kỷ thuật trong một thời hạn sớm nhất mà bạn có thể làm. Trong khi đó, nếu đèn cảnh báo xuất hiện dưới dạng màu đỏ thì bạn cần phải kiếm một chỗ an toàn để đậu xe lại, dừng hẳn xe lại càng nhanh càng tốt để bảo vệ sự hư hỏng của xe ở một mức độ thiệt hại tối thiểu nhất.
Thế Đạt (TTTĐ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét