Trong hàng chục ngàn linh kiện cấu tạo nên một chiếc xe, có một số bộ phận nếu được thay thế bằng những linh kiện của các nhà sản xuất "Aftermarket" hay còn gọi là nhà sản xuất linh kiện không dành cho nhà máy, sẽ thay đổi chất lượng của chiếc xe so với lúc mới xuất xưởng. Vấn đề còn lại là phải xác định bộ phận nào quan trọng hơn và nên được ưu tiên thay thế trước để có được chiếc xe tốt hơn lúc mới xuất xưởng và xứng đáng với số tiền bỏ ra đầu tư nâng cấp?
>> Làm sao để lái xe vừa an toàn, vừa tiết kiệm?
Xe thể thao đa dụng 2 cầu đồng nghĩa với khoảng sáng gầm xe lớn, trọng tâm xe cao so với mặt đất. Vì vậy khi xe lăn bánh trên đường gồ ghề, vào cua ở tốc độ cao bộ phận giảm xóc đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tiện nghi, độ ổn định và sự an toàn của xe. Bộ phận giảm xóc bao gồm 4 phuộc và lò xo hoặc thanh xoắn cho 2 bánh trước và nhíp hoặc lò xo cho hai bánh sau, ngoài ra còn có các vòng đệm cao su giảm chấn. Trong hệ giảm xóc thì thay phuộc nhún là dễ dàng cảm nhận được hiệu quả nhất.
Nếu quan sát loài chim đà điểu chạy trên bề mặt sa mạc gồ ghề ở vận tốc 60 km/h, ta sẽ thấy hai bàn chân đà điểu sẽ di chuyển cao thấp theo mặt đất trong khi đầu của chúng vẫn tịnh tiến trên một đường thẳng. Điều này nhờ vào đôi chân dài có các khớp uyển chuyển giữ cho phần trên luôn ổn định, về nguyên lý hệ thống giảm xóc độ cũng cho kết quả tương tự.
Trong khi đó nếu xe di chuyển trên đường gập gềnh, nếu người ngồi trên xe bị văng quật theo mặt đường bên dưới do hệ thống giảm xóc không đủ hành trình và độ đàn hồi để hấp thu và triệt tiêu lực tác động của mặt đường lên bánh xe thì chẳng bao lâu sau hành khách sẽ từ từ mất hết hứng thú đi du lịch khám phá trên một chiếc xe có hệ thống giảm xóc tồi.
Một đặc điểm rõ nét khác khiến hệ thống giảm xóc độ đáng giá hơn hệ thống giảm xóc nguyên bản theo xe là chiều dài hành trình lớn và khả năng hấp thu lực tác động từ mặt đường lên bánh xe. Chiều dài hành trình là khoảng cách di chuyển cao thấp của bánh xe so với trục nằm ngang khi xe đậu trên một mặt phẳng trong tình trạng không tải. Những bộ phận liên quan đến chiều dài hành trình của bánh xe bao gồm phuộc, nhíp hoặc lò xo, đôi khi bao gồm cả thanh giằng ngang hoặc dọc. Khi đi trên đường không bằng phẳng hệ thống giảm xóc sẽ di chuyển theo trình trạng của mặt đường, khi hết hành trình giảm xóc thân xe bắt đầu nghiêng theo, vì vậy nếu hành trình của hệ giảm xóc ngắn thì cơ hội thân xe bị tác động trực tiếp càng cao và ngược lại.
Điểm khác biệt giữa phuộc nguyên bản mono tube theo xe và phuộc độ twin tube
Cấu tạo và đặc điểm của phuộc "zin" theo xe
Phần lớn phuộc theo xe là loại mono tube tức chỉ có 1 ống chứa dầu, bên trong là 2 piston và 1 van đóng vai trò như thắng. Nhược điểm của phuộc mono tube là sau một đoạn đường nhất là ở những nước có khí hậu nóng như ở Việt Nam, dầu bên trong bị nóng và thể tích tăng lên, trong khi đó thể tích của ống thấm phuộc không thay đổi, hậu quả là dầu làm cho piston di chuyển ít hơn (hành trình của piston giảm) phuộc đàn hồi rất kém. Ngoài ra do cấu tạo vỏ phuộc chỉ có 1 ống nên nếu chẳng may bề mặt phuộc bị móp vì một lý do nào đó thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành trình của các van và piston bên trong.
Cấu tạo và đặc điểm của phuộc độ after market
Phuộc độ có 2 ống, hay còn gọi là twin tube, bên trong có 2 khoan, 1 chứa dầu, 1 chứa khí ni tơ với 1 piston và 2 van, 1 van đảm nhiệm chức năng giảm xóc khi nén và 1 van đóng vai trò giảm xóc khi giải nén. Khi nhiệt độ nóng, thể thích dầu tăng lên, phần thể tích dành cho khí ni tơ thu hẹp, khí sẽ thành bọt hòa lẫn vào trong dầu vừa làm mát vừa cân bằng phần không gian để hấp thu phần thể tích thay đổi nên độ đàn hồi và hành trình phuộc sẽ không bị ảnh hưởng xe vẫn êm cho dù đi một quãng đường dài và xóc.
Trái với phuộc mono tube các loại phuộc độ twin tube thường không bị ảnh hưởng nếu chẳng may lớp bên ngoài bị móp do ngoại lực như va vào đá hoặc cây.
Ngoài ra số lượng và cấu tạo của các lá kim loại làm nên các van trong phuộc cũng đóng vai trò quyết định tạo nên sự khác biệt giữa phuộc độ so với phuộc nguyên bản, và giữa các hiệu phuộc after market khác nhau như OME, Blisten, Rancho, Revtek, Rough Country...
Khi thay phuộc thì phải chú ý tới chiều dài của hành trình phuộc, xe có gắn spacer hay không gắn spacer? có thay nhíp/lò xo hay không? chọn sai phuộc hoặc không đồng bộ với những bộ phận khác trong hệ giảm xóc không những không có được kết quả như mong muốn mà nhiều khi còn làm hư luôn phuộc tốn tiền một cách vô ích.
Trong các bộ phận liên quan tới hệ giảm xóc (suspesion system) thì phuộc là cái dễ hư nhất nếu lựa chọn không đúng, còn lại Nhíp hay Lò Xo hay Thanh Xoắn thì gần như không thể tự nhiên mà hư được trừ trường hợp chọn sai chủng loại.
Như thế nào là sai chủng loại?
Trước khi nâng cấp hệ thống giảm xóc cần suy nghĩ kỹ về cách sử dụng xe cũng như các món đồ cần gắn thêm trong tương lai sẽ làm tăng trọng lượng xe. Những câu hỏi cần phải xác định là xe có thường xuyên phải chở nặng hay không? trong tương lai có gắn thêm cản tời hay baga mui hay không? người sử dụng thích cảm giác êm ái bồng bềnh hay cảm giác chắc lái khi vào cua? để lựa chọn một cấu hình tối ưu nhất cho hệ thống giảm xóc.
Có 2 loại phuộc và 3 loại lò xo hoặc nhíp: phuộc dạng thể thao và phuộc thường, lò xo hay nhíp thì có loại cứng, vừa và mềm. Kết hợp lại sẽ cho ra 6 dạng giảm xóc với đặc điểm tính năng từ khác cho đến rất khác nhau. Ví dụ xe có gắn cản tời, baga mui lại đi gắn lò xo mềm thì trước tiên xe sẽ bồng bềnh rất khó chịu, sau một thời gian các lò xo do không chịu nổi tải sẽ bị mỏi và dần dần giảm độ dài cũng như độ đàn hồi.
Đặc biệt xe có gắn cản thép sẽ ảnh hướng rất lớn tới tuổi thọ cũng như chất lượng của hệ thống giảm xóc nếu như ngay từ đầu lựa chọn sai cấu hình, 50 kg đặt lên giữa xe không bằng 10 kg tăng lên phía trước hoặc sau xe, vì vậy gắn thêm cản, tời, giá treo bánh xe dự phòng hay chế thêm bất kỳ món gì ở trước hoặc sau xe đều cần phải tính kỹ tới ảnh hưởng của nó lên tính năng vận hành của xe và chọn hệ giảm xóc cho thích hợp. Phân bổ trọng lượng không hợp lý không chỉ làm hại hệ thống giảm xóc mà còn có thể gây nguy hiểm khi xe vào cua ở tốc độ cao.
Bảo dưỡng hệ thống giảm xóc nhìn chung khác đơn giản, sau mỗi chuyến off-road cần rửa sạch gầm xe, bơm mỡ vào các núm mỡ của bát nhíp (shackle), siết lại các ốc và kiểm tra bằng mắt thường các chi tiết của hệ thống giảm xóc để sớm tìm ra những thiệt hại để có cách khắc phục sớm. Cách dễ hơn để biết hệ thống giảm xóc còn tốt như trình trạng ban đầu hay không là trước và sau khi độ phuộc cần giữ lại thông số về chiều cao xe, kiểm tra lại sau mỗi 500 km để xác định thông số này có thay đổi hay không, nếu có chắc chắn có gì đó không ổn và cần kiểm tra kỹ hơn, nếu không thì chỉ cần bảo trì thông thường như đã nói trên là đủ.
Nói thì dài nhưng việc thay thế hệ thống giảm xóc lại cực kỳ đơn giản, mất từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ tháo ráp tùy theo từng loại xe và hoàn toàn không phải khoan, hàn hay cắt bất kỳ bộ phận nào trên xe. Việc thay thế hệ thống giảm xóc không ảnh hưởng đến kết cấu hay thiết kế ban đầu của xe.
Theo Vulcan4x4 (otosaigon.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét